Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ độ tuổi 15 – 44 tuổi. Và 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời.
Ung thư cổ tử cung đang là căn bệnh phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trên toàn thế giới và đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam. Mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, có hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, gần 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, hơn 2.000 trường hợp tử vong vì ung thư cổ tử cung trong năm 2018.
Virus HPV có thể tồn tại âm thầm và phát triển trong cơ thể mà không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào. Biện pháp phòng ngừa tối ưu đến 90% ung thư cổ tử cung chính là tiêm vắc xin phòng chống virus HPV đối với bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về tiêm phòng ung thư cổ tử cung HPV.
Vắc xin phòng HPV là gì?
Vắc xin phòng HPV là vắc xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và u nhú bộ phận sinh dục, sùi mào gà do virus sinh u nhú ở người HPV (Human Papilloma Virus) gây ra; nhiễm ở những tế bào biểu mô da và niêm mạc, có liên quan đến bất thường cổ tử cung (gồm tổn thương tiền ung thư, ung thư), mụn cóc và bệnh đa u nhú đường hô hấp tái diễn. HPV cũng có liên quan đến những ung thư khác như ung thư tế bào gai của hậu môn, âm hộ, âm đạo, dương vật, ung thư vùng đầu và cổ.
Virus HPV lây nhiễm qua đường nào?
Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục: tiếp xúc da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể lây truyền virus HPV.
Ngoài ra, virus này còn có thể lây truyền không qua đường tình dục như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót…
HPV cũng có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Có hơn 140 tuýp Papillomavirus (HPV) được phát hiện ở người. Khoảng 40 loại có thể nhiễm vào vùng sinh dục như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, trực tràng, hậu môn, dương vật và bìu cũng như miệng và cổ họng. Những loại HPV này lây lan trong quá trình quan hệ tình dục.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục hoàn toàn không gây hại và tự biến mất. Nhưng một số loại HPV có thể dẫn đến mụn cóc sinh dục hoặc một số loại ung thư.
-
Hai loại HPV (tuýp 6 và 11) gây ra hầu hết các trường hợp mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Mụn cóc sinh dục là những mụn nhìn thấy được ở vùng sinh dục của đàn ông và phụ nữ. Những mụn này có thể nhỏ hoặc lớn, nhô hoặc bẹt và không gây đau. Mụn cóc không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể khó đối phó vì khả năng tái nhiễm sau điều trị. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục được coi là virus có nguy cơ thấp vì không dẫn đến ung thư hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
-
Hơn 10 chủng virus HPV có thể dẫn đến ung thư, trong đó có 2 chủng đặc biệt (loại 16 và 18) dẫn đến phần lớn các trường hợp ung thư. Đây được gọi là HPV nguy cơ cao. Ung thư cổ tử cung có liên quan phổ biến nhất với HPV, nhưng HPV cũng có thể gây ung thư ở âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và hầu họng. Tuýp HPV 16,18 cũng là 2 tuýp chính gây nên ung thư cổ tử cung và còn là tác nhân gây ra các loại ung thư như: Ung thư âm hộ (50%), Ung thư âm đạo (65%), Ung thư hầu họng (70%).
Nhiễm trùng HPV từ đường sinh dục là rất phổ biến. Trên thực tế, hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm virus tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Hầu hết những người bị nhiễm virus không có triệu chứng và cảm thấy hoàn toàn ổn, vì vậy họ thường không biết mình bị nhiễm bệnh.
Theo thống kê của HPV Information Centre, cứ 4 phút trôi qua lại có 1 người chết vì ung thư cổ tử cung, mỗi ngày tại Việt Nam có thêm 14 ca mắc mới và 7 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.
Hiện chưa có thuốc đặc trị virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Nhưng có rất nhiều điều bạn có thể làm để giữ cho HPV không có tác động tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Có những loại vắc xin có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm một số loại HPV nhất định. Nhiễm virus HPV nguy cơ cao thường có thể dễ dàng điều trị trước khi tiến triển thành ung thư, đó là lý do tại sao việc tiêm phòng và tầm soát ung thư hàng theo định kỳ rất quan trọng.
Có nên tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung?
Cho đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để chị em chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Vắc xin phòng HPV khá an toàn và có thể đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV.
Bác sĩ khuyến cáo trẻ em trong độ tuổi 9-26 tuổi nên tiêm loại vắc xin này để đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ trước khi phơi nhiễm loại virus này.
Độ tuổi và đối tượng tiêm ngừa ung thư cổ tử cung
Tại Việt Nam, vắc xin phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Các chuyên gia khuyến cáo, các chị em nên đi tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vắc xin có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm.
Các nhà khoa học cho rằng các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể thụ hưởng được lợi ích từ tiêm phòng HPV. Hiện nay, theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cần xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai, sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật…).
Tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm không?
Tiêm vắc xin phòng HPV không cần xét nghiệm trước tiêm. Nữ giới nằm trong độ tuổi 9 – 26, không mang thai, không dị ứng với thành phần nào của vắc xin, không đang điều trị các bệnh cấp tính… đều đủ điều kiện tiêm vắc xin này.
Tất cả chị em nên được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng
Tác dụng phụ của vắc xin phòng HPV
Nhiều người có thể chủng ngừa mà không gặp bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, bạn có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi chủng ngừa như:
-
Phản ứng tại chỗ tiêm, quầng đỏ, đau hoặc sưng;
-
Sốt nhẹ;
-
Nổi mề đay;
-
Đau đầu;
-
Mệt mỏi;
-
Đau cơ;
-
Đau khớp;
-
Buồn nôn và nôn;
-
Rối loạn dạ dày ruột: đau bụng, tiêu chảy;
-
Quá mẫn…
Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?
Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV. Bởi trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm – tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.
Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một tuýp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những tuýp HPV khác.
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung bao lâu thì được mang thai?
Khi có dự định lập gia đình, phụ nữ cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung sớm. Nếu có thai khi đang tiêm vắc xin thì sẽ tạm hoãn lịch tiêm, hoàn tất lịch tiêm tiếp tục sau khi sinh con.